Site icon MB66

Giải mã sự lợi hại của Thanh Hóa

Thanh Hóa thành công nhờ cách làm bóng đá rất độc đáo của bầu Đoan

123b – Điều ít ai có thể hình dung với đội bóng không phải là “đại gia” như Đông Á Thanh Hóa lại có thể “bay cao”, cho thấy sự lợi hại ở chặng đầu mùa giải 2024/25 không chỉ ở đấu trường V.League mà còn ở cúp các CLB Đông Nam Á.

Nếu như bộ phim “Độc đạo” đang phát sóng trên VTV tạo sức hút cực lớn với người xem thì ở đấu trường V.League, Thanh Hóa với cách làm bóng đá rất độc đạo, có sự khác lạ so với nhiều đội bóng đã đem đến những bất ngờ đầy kinh ngạc. Với chiến thắng đậm đà 4-1 trước Bình Định ở vòng 4 vừa qua, Thanh Hóa đã ngự trị ngôi đầu BXH V.League với 9 điểm và đồng thời trở thành đội bóng ghi nhiều bàn nhất với 9 lần xé lưới đối phương.

Chưa hết, ở sân chơi cúp các CLB Đông Nam Á, Thanh Hóa gây bất ngờ với ngôi đầu bảng A, xếp trên cả các đội bóng lớn của Thái Lan như Pathum United hay PSM Makassar đến từ Indonesia. Không chỉ đến bây giờ mà các mùa gần đây với 2 chức vô địch Cúp QG, Siêu cúp QG, Thanh Hóa đang cho thấy sự thành công ngoài mong đợi của mình.

Cần nói thêm Thanh Hóa không có ngôi sao và ít ồn ào ở góc độ truyền thông, nhưng nhìn lại chặng đường đã qua thì đội bóng xứ Thanh cho thấy sự hiệu quả về cách làm bóng đá của mình. Ở trên sân, những Antonio, Gustavo, Ngọc Tân, A Mít, Thái Sơn và đặc biệt là HLV Popov đã để lại quá nhiều dấu ấn chuyên môn, nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay cho thấy cách làm độc đáo của lãnh đạo đội bóng xứ Thanh.

Còn nhớ, giai đoạn cuối mùa giải 2023/24, HLV Popov sắp đáo hạn hợp đồng  và nhận được nhiều lời mời với khoản lương, lót tay rất cao. Nhưng Thanh Hóa không “chạy đua vũ trang” mà vẫn âm thầm đàm phán gia hạn hợp đồng. Và sau trận chung kết Cúp QG 2023/24 các bên đã đồng ý gia hạn hợp đồng. Ông Popov hiểu rằng chỉ ở Thanh Hóa mới có thể giúp ông thăng hoa về sự nghiệp, còn Thanh Hóa muốn nhà cần quân cá tính này ở lại để tiếp tục con đường chinh phục đỉnh cao.

Còn nhớ, trước đây HLV nổi tiếng Petrovic từng có quãng thời gian dài dẫn dắt Thanh Hóa, nhưng sau đó đội bóng xứ Thanh chấp nhận chia tay nhà cầm quân người Serbia để đón gương mặt mới toanh mang tên Popov. Lúc đó, chẳng mấy ai tin ông Popov có thể thành công, bởi đơn giải ông chưa có danh tiếng và chỉ dẫn dắt U23 Myanmar vốn không có thế lực lớn ở bóng đá khu vực.

Nhưng Thanh Hóa vẫn “chơi” và thói quen mua người ít danh tiếng đã trở thành công thức trong con đường độc đạo của những người làm bóng đá nơi đây. Không chỉ ông Popov mà ngay cả những cầu thủ cỡ A Mít, Viết Tú, Thanh Long, Ti Phông,…vốn không được nhiều đội bóng “đấu giá”, thậm chí có nguy cơ thất nghiệp, nhưng đội bóng xứ Thanh vẫn mua và giờ với những gì các cầu thủ nói trên đã chứng minh bằng thực tế sân cỏ cho thấy cách làm của Thanh Hóa đã phát huy sự hiệu quả.

Những gì mà Thanh Hóa đã làm được với những danh hiệu, thành tích rực sáng vừa qua chỉ là bề nổi. Bởi đằng sau quá trình tạo dựng, phát triển đội bóng ẩn chứa cả một cách làm bóng đá, cách quản trị rất đặc biệt. Khi bầu Đoan tiếp quản đội bóng, ông phân công nhiệm vụ, “chia đầu việc” rạch ròi cho 2 người con trai Cao Hoàng Đức và Cao Đức Thiện để cùng ông phát triển bóng đá Thanh Hóa. Nếu như ông Hoàng Đức với kinh nghiệm và sự lọc lõi nhờ 10 năm sống ở châu Âu đảm nhận vai trò “săn” HLV ngoại, cũng như ngoại binh thì người em trai Đức Thiện lo việc “bếp núc”, nội tình đội bóng.

Việc Thanh Hóa đưa được ông Popov về dẫn dắt hay kiếm được các ngoại binh tốt như Antonio, Rimario, Gustavo… có dấu ấn lớn của ông Hoàng Đức. Hay công tác đào tạo trẻ với chức vô địch U19 QG của Thanh Hóa có “bàn tay” của ông Đức Thiện. “Tôi nghĩ rằng đội bóng cũng như một công ty cần có những người đứng đầu các bộ phận để trực tiếp phụ trách. Quản trị bóng đá cũng như quản trị doanh nghiệp.

Tất nhiên, bóng đá cũng cần có sự may mắn đồng hành, nhưng nếu không quản trị tốt thì khó gặt hái được kết quả”, bầu Đoan chia sẻ. Xây dựng được đội bóng có sự gai góc, khó chịu và đã gặt hái được những danh hiệu nhưng Thanh Hóa không phải là đội bóng thuộc hàng “đại gia”.

“Chúng tôi xác định không chạy theo cầu thủ ngôi sao. Cầu thủ nổi tiếng mà ra sân thi đấu không có tinh thần, sự máu lửa chẳng có thì cũng chẳng thể đá tốt được. Đội bóng Thanh Hóa là tài sản chung của nhân dân, phục vụ khán giả chứ không phải của ông này, bà kia nên chúng tôi chỉ cần những cầu thủ ra sân phải hết mình vì đội bóng, vì khán giả”. Cũng vì định hướng cầu thủ phải đá vì khán giả, nên Thanh Hóa từng “trảm” rất nhiều cầu thủ nổi tiếng ngay như cả của hiếm Hoàng Vũ Samson cũng “lên đường”.

Thanh Hóa có cách làm độc đáo, quản trị bóng đá khác biệt so với nhiều CLB nên thành quả họ “gặt” được là điều dễ hiểu. Nhưng để có thể “cất cánh” vươn xa hơn nữa thì có lẽ hơn lúc nào hết họ cần sự vào cuộc quyết liệt, ủng hộ bằng hành động thiết thực của chính quyền địa phương, để cùng bầu Đoan đưa thầy trò HLV Popov vững tin trên con đường “độc đạo” của mình.

Exit mobile version